Các loại bệnh ung thư máu và cách điều trị hiệu quả nhất

Cơ thể chúng ta được tạo thành từ hàng triệu tỷ các tế bào máu bao gồm: hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu và huyết tương. Mỗi thành phần của máu đều có vai trò và chức năng đặc biệt quan trọng đối với cơ thể. Ung thư máu được đặc trưng bởi các tế bào máu bất thường nhân lên không kiểm soát. Các tế bào máu bất thường ngăn cản máu thực hiện các chức năng bình thường như chống lại nhiễm trùng, ngăn chảy máu, vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng… Cùng tìm hiểu các loại bệnh ung thư máu và cách điều trị hiệu quả nhất cho căn bệnh này qua bài viết dưới đây.

Bệnh ung thư máu và cách điều trị

1. Bệnh bạch cầu (Leukemia)

Bệnh bạch cầu là một loại ung thư máu xuất phát từ tủy xương, nơi sản xuất các tế bào máu. Trong bệnh bạch cầu, tủy xương sản sinh ra một số lượng lớn các tế bào bạch cầu bất thường, làm cản trở việc sản xuất các tế bào máu khỏe mạnh như hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.

Việc đưa ra phương pháp điều trị bệnh bạch cầu sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm: Loại bệnh bạch cầu, giai đoạn bệnh, sức khỏe tổng quát và khả năng đáp ứng với liệu pháp điều trị của bệnh nhân. 

1.1. Bệnh bạch cầu cấp tính dòng lympho (ALL):

Đây là dạng bệnh bạch cầu phổ biến nhất ở trẻ em, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến người lớn. Bệnh có thể phát triển nhanh chóng, bắt đầu từ tủy xương và lan nhanh vào máu và các cơ quan khác nếu không được điều trị kịp thời..

Triệu chứng của bệnh bao gồm: Mệt mỏi, sốt, dễ chảy máu hoặc bầm tím, đau xương khớp và nhiễm trùng thường xuyên.

Phương pháp điều trị bệnh bạch cầu cấp tính dòng lympho: 

  • Hóa trị: Hóa trị là phương pháp chính để điều trị giúp tiêu diệt các tế bào ác tính và ngăn ngừa bệnh tái phát. 
  • Ghép tế bào gốc: Được thực hiện cho những bệnh nhân có nguy cơ tái phát cao hoặc không đáp ứng tốt với hóa trị liệu.
  • Liệu pháp nhắm mục tiêu: Đối với những bệnh nhân có các đột biến gen cụ thể, các loại thuốc nhắm mục tiêu như Blinatumomab (Blincyto) hoặc Inotuzumab ozogamicin (Besponsa) có thể được sử dụng.
  • Liệu pháp miễn dịch (CAR-T cell therapy): Đây là một liệu pháp mới bằng cách sử dụng tế bào T của chính bệnh nhân để tấn công tế bào bạch cầu ác tính. Liệu pháp này đã cho thấy kết quả khả quan trong điều trị ALL tái phát hoặc không đáp ứng điều trị.

1.2. Bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy (Acute Myeloid Leukemia – AML):

Đây là một loại ung thư máu và tủy xương, trong đó các tế bào bạch cầu bất thường tích tụ trong tủy xương và máu. Bệnh có thể tiến triển nhanh chóng và có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Triệu chứng của bệnh bao gồm: Sốt, mệt mỏi, khó thở, da nhợt nhạt, dễ bị nhiễm trùng, chảy máu và bầm tím dễ dàng.

Phương pháp điều trị bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy bao gồm: 

  • Hóa trị liệu: Đây là phương pháp điều trị chính cho bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy. Hóa trị giúp tiêu diệt phần lớn các tế bào ung thư. 
  • Cấy ghép tế bào gốc/ ghép tủy xương: Sau khi hoàn tất hóa trị, ghép tế bào gốc có thể được thực hiện để thay thế tủy xương bị tổn thương bằng các tế bào gốc khỏe mạnh từ người hiến tặng.
  • Liệu pháp nhắm mục tiêu: Các loại thuốc như Midostaurin được sử dụng để nhắm vào các đột biến gen cụ thể trong tế bào bạch cầu AML.
  • Điều trị hỗ trợ: Bao gồm các phương pháp hỗ trợ như truyền máu, thuốc kháng sinh, và thuốc chống nấm để kiểm soát các triệu chứng và biến chứng.

1.3. Bệnh bạch cầu mạn dòng lympho (Chronic Lymphocytic Leukemia – CLL):

Đây là dạng bệnh bạch cầu mạn tính phổ biến nhất ở người lớn, đặc biệt là ở người cao tuổi. Bệnh phát triển chậm hơn và có thể không cần điều trị ngay lập tức.

Triệu chứng: Mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, nhiễm trùng thường xuyên, giảm cân không rõ lý do.

  • Hóa trị: Là phương pháp chính để điều trị bệnh. Các loại thuốc hóa trị như Fludarabine, Cyclophosphamide, và Bendamustine thường được sử dụng.
  • Liệu pháp nhắm mục tiêu: Các loại thuốc như Ibrutinib (Imbruvica), Venetoclax (Venclexta), và Rituximab (Rituxan) nhắm vào các con đường tín hiệu cụ thể trong tế bào bạch cầu ác tính để tiêu diệt chúng.
  • Liệu pháp miễn dịch: Sử dụng các kháng thể đơn dòng để tấn công các tế bào bạch cầu bất thường, thường được sử dụng kết hợp với hóa trị liệu.
  • Ghép tế bào gốc: Được xem xét cho các trường hợp bệnh có nguy cơ cao hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.

1.4. Bệnh bạch cầu mạn dòng tủy (Chronic Myeloid Leukemia – CML):

Đây là một loại bệnh bạch cầu phát triển chậm, thường xảy ra ở người lớn .Bệnh bạch cầu mạn dòng tủy thường liên quan đến một bất thường di truyền gọi là nhiễm sắc thể Philadelphia gây ra bởi sự chuyển đổi gen giữa nhiễm sắc thể 9 và 22, dẫn đến việc tạo ra gen fusion BCR-ABL.

Triệu chứng: Mệt mỏi và suy nhược, sốt nhẹ, đổ mồ hôi đêm, đau tức ở vùng bụng trái, dễ bầm tím hoặc chảy máu, nhiễm trùng tái phát…

Phương pháp điều trị bệnh bạch cầu mạn dòng tủy: 

  • Thuốc ức chế tyrosine kinase (TKI):  Đây là liệu pháp chính cho bệnh bạch cầu dòng tủy. Các loại thuốc như Imatinib (Gleevec), Dasatinib (Sprycel), và Nilotinib (Tasigna) nhắm vào protein BCR-ABL, một loại protein bất thường do đột biến nhiễm sắc thể Philadelphia gây ra. Thuốc TKI giúp kiểm soát bệnh hiệu quả và có thể duy trì trạng thái thuyên giảm lâu dài.
  • Cấy ghép tế bào gốc: Được xem xét trong các trường hợp khi bệnh nhân không đáp ứng với thuốc TKI hoặc bệnh tiến triển nặng. 
  • Hóa trị: Đôi khi được sử dụng trong các giai đoạn tiến triển của bệnh hoặc khi bệnh nhân không đáp ứng với thuốc  TKI.

2. Ung thư hạch bạch huyết (lymphoma)

Ung thư hạch bạch huyết (lymphoma) là một loại ung thư phát sinh từ các tế bào lympho trong hệ bạch huyết. Hệ bạch huyết bao gồm các hạch bạch huyết, lách, tuyến ức, và tủy xương, giúp bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng. Có nhiều loại ung thư hạch bạch huyết khác nhau, nhưng chúng được chia thành hai loại chính: U lympho Hodgkin và U lympho không Hodgkin.

2.1. U lympho Hodgkin

U lympho Hodgkin là một loại ung thư hệ bạch huyết được đặc trưng bởi sự hiện diện các tế bào Reed-Sternberg trong mô hạch bạch huyết.

Triệu chứng của U lympho Hodgkin bao gồm: Sưng hạch bạch huyết ở cổ, nách hoặc bẹn; sốt; đổ mồ hôi đêm; giảm cân không rõ nguyên nhân; mệt mỏi kéo dài,…

Phương pháp điều trị U lympho Hodgkin thường bao gồm một hoặc kết hợp nhiều phương pháp điều trị.

  • Hóa trị: Điều trị u lympho Hodgkin bằng hóa trị Hóa trị có thể tiêu diệt và ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Một số loại thuốc dùng để điều trị u lympho Hodgkin là ABVD, BEACOPP, MOPP, Stanford V.
  • Xạ trị: Trong điều trị ung thư U lympho Hodgkin, xạ trị được coi là phương pháp điều trị chính và đem lại hiệu quả cao. Ở giai đoạn I và II xạ trị có thể được kết hợp với hóa trị giúp làm tăng hiệu quả điều trị. 
  • Cấy ghép tế bào gốc: Bệnh nhân bị ung thư U lympho Hodgkin có thể phải thực hiện ghép tế bào gốc trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với hóa trị, xạ trị hoặc bệnh trong giai đoạn tái phát. 
  • Liệu pháp nhắm trúng đích: Thuốc nhắm trúng đích hoạt động bằng cách nhắm vào những những yếu tố trên tế bào ung thư giúp chúng phát triển và tồn tại. Kháng thể đơn dòng (MAB) là loại thuốc nhắm mục tiêu phổ biến nhất được sử dụng cho bệnh u lympho Hodgkin. Brentuximab và rituximab là một loại kháng thể đơn dòng, chúng nhắm vào các protein cụ thể trên tế bào u lympho và giúp hệ thống miễn dịch tìm ra các tế bào này và tiêu diệt chúng.

2.2. U lympho không Hodgkin

U lympho không Hodgkin là một loại ung thư phát sinh từ các tế bào lympho của hệ thống bạch huyết. U lympho không Hodgkin không có mặt các tế bào Reed-Sternberg đặc trưng cho U lympho Hodgkin.  U lympho không Hodgkin có thể gây ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết và các cơ quan khác trong cơ thể.

Triệu chứng của U lympho không Hodgkin có thể khác nhau tùy thuộc vào loại và giai đoạn bệnh có thể bao gồm: Sưng hạch bạch huyết; sốt không rõ nguyên nhân; Đổ mồ hôi đêm; giảm cân không lý do; mệt mỏi kéo dài; đau bụng hoặc cảm giác đầy bụng; phát ban hoặc xuất hiện tổn thương trên da…

Phương pháp điều trị U lympho không Hodgkin: 

Việc điều trị U lympho không Hodgkin phụ thuộc vào từng loại bệnh, giai đoạn và sức khỏe tổng quát của bệnh nhân. Các phương pháp điều trị chính bao gồm:

  • Hóa trị: Đây là phương pháp phổ biến nhất được sử dụng để điều trị bệnh u lympho không Hodgkin. Hóa trị có thể giết chết các tế bào ung thư nhanh chóng nhưng cũng làm ảnh hưởng đến các tế bào máu khỏe mạnh. Do vậy, bệnh nhân có thể được truyền thêm một số loại thuốc giúp tăng tế bào máu. 
  • Xạ trị: Xạ trị thường được sử dụng trong giai đoạn đầu của bệnh. Xạ trị thường được kết hợp với hóa trị trong điều trị u lympho không Hodgkin.
  • Liệu pháp miễn dịch: Thay vì tấn công trực tiếp vào tế bào ung thư, liệu pháp miễn dịch giúp cơ thể tự chống lại ung thư. Liệu pháp miễn dịch có thể gây ít tác dụng phụ hơn các phương pháp điều trị khác. 
  • Một số liệu pháp miễn dịch cho bệnh u lympho không Hodgkin bao gồm: 
  • Liệu pháp tế bào CAR-T
  • Liệu pháp kháng thế đơn dòng
  • Liệu pháp sinh học tăng cường kháng thế giúp cơ thể chống lại ung thư. 
  • Thuốc điều biến miễn dịch
  • Cấy ghép tế bào gốc: Nếu bệnh u lympho không Hodgkin không đáp ứng với hóa trị hoặc bệnh tái phát, bệnh nhân có thể phải ghép tế bào gốc. Ghép tế bào gốc là một thủ thuật thay thế các tế bào bị lỗi hoặc bị tổn thương ở những bệnh nhân ung thư máu. Ngoài ra, vì hóa trị thường phá hủy các tế bào khỏe mạnh trong máu và tủy xương, nên những bệnh nhân trải qua một số loại hóa trị nhất định có thể cần ghép tế bào gốc.

Xem thêm: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị ung thư máu

Trên đây là một số bệnh ung thư máu và cách điều trị hiệu quả nhất đối với từng loại bệnh. Kiểm tra sức khỏe định kỳ có thể phát hiện ung thư máu ở giai đoạn đầu. Do đó, nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào của ung thư máu hãy đến cơ sở y tế để kiểm tra. Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân cụ thể của bệnh ung thư máu. Tránh tiếp xúc với một số yếu tố nguy cơ nhất định cũng có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh như bức xạ, hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu, thuốc lá,…

 

 

Bài viết liên quan

Thực phẩm lành mạnh giúp giảm nguy cơ ung thư vú

11 loại thực phẩm lành mạnh giúp giảm nguy cơ ung thư vú

Ung thư vú là căn bệnh ác tính có thể đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của hàng...
Hệ miễn dịch đường ruột

Tại sao hệ miễn dịch đường ruột lại quan trọng đối với sức khỏe như vậy

Hệ miễn dịch đường ruột là một phần quan trọng trong hệ thống miễn dịch tổng thể của cơ thể....
Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị ung thư gan

Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị ung thư gan

Ung thư gan là một trong những loại ung thư phổ biến và có tỷ lệ tử vong cao nhất....