Phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng cụ thể của người bệnh
Ở những giai đoạn cuối của ung thư, các tế bào ác tính có xu hướng tách ra khỏi khối u ban đầu và hình thành khối u mới ở một cơ quan khác của cơ thể. Đây chính là hiện tượng ung thư di căn. Ung thư phổi di căn có thể gây ra nhiều biến chứng cho bệnh nhân, tùy thuộc vào vị trí khối u xâm lấn cơ thể.
Người ung thư phổi di căn có biểu hiện tổn thương phổi nặng với các triệu chứng ho, ho ra máu, khó thở kèm đau tức ngực…Khi đó nhiều phương pháp điều trị được áp dụng để giảm những triệu chứng khó chịu và phục hồi sức khỏe cho người bệnh.
Các phương pháp tác động toàn thân như hóa trị, thuốc đích, miễn dịch ung bướu được ưu tiên sử dụng để điều trị ung thư phổi di căn. Bác sĩ có thể phối hợp nhiều liệu pháp điều trị nhằm ức chế các tế bào ung thư hiệu quả hơn tuy nhiên cần phải cân nhắc đến tình trạng sức khỏe cụ thể của người bệnh.
Hóa trị liệu có bản chất là đưa vào cơ thể các chất độc với tế bào ung thư, nhờ đó ức chế sự phát triển và tiêu diệt chúng. Tuy nhiên hóa trị có thể tác động tới các tế bào lành của cơ thể, gây ra các tác dụng phụ như chán ăn, buồn nôn, rụng tóc, thiếu máu, suy giảm miễn dịch…Do đó, điều trị ung thư phổi di căn bằng hóa trị đòi hỏi người bệnh cần có sức khỏe tốt và có phương pháp chăm sóc dinh dưỡng đúng cách.
Hóa trị là một trong những phương pháp điều trị ung thư hiệu quả
Trong trường hợp các tế bào ung thư có biểu hiện đột biến một số gen EGFR, RAS, ROS1, ALK,…thì bệnh nhân có thể điều trị bệnh bằng thuốc nhắm trúng đích. Các thuốc này có tính hướng mục tiêu nên tấn công mạnh vào các tế bào ung bướu mà ít gây ra tác dụng phụ cho cơ thể.
Tuy nhiên theo thống kê, chỉ khoảng 20% trong tổng số bệnh nhân ung thư phổi có biểu hiện những gen đột biến kể trên và được cân nhắc dùng thuốc đích. Mặt khác, chi phí cho điều trị thuốc đích không nhỏ, do đó không phải bệnh nhân nào cũng có điều kiện để điều trị theo phương pháp này.
Một phương pháp khác được sử dụng ngày càng phổ biến trong điều trị ung thư phổi đó là miễn dịch ung bướu. Tại Việt Nam, thuốc miễn dịch Pembrolizumab và Atezolizumab được phê duyệt và dùng phổ biến trong điều trị ung thư phổi. Các thuốc này hoạt động dựa trên cơ chế ức chế chốt kiểm soát PDL-1, cho phép hệ miễn dịch thiết lập hoạt động tìm kiếm và tiêu diệt ung bướu hiệu quả.
Xem thêm: Liệu pháp miễn dịch – Giải pháp mới giúp điều trị ung thư phổi hiệu quả
Bên cạnh những phương pháp điều trị ung thư phổi di căn kể trên, người bệnh có thể được chỉ định kèo theo một số can thiệp nhằm giảm thiểu những biến chứng gặp phải. Người ung thư phổi di căn xương có thể được dùng thêm thuốc giảm đau, thuốc ngăn hủy xương biphosphonat…hoặc được chỉ định xạ trị xương nhằm giảm đau và bảo tồn bảo tồn chức năng xương.
Trong trường hợp bệnh nhân ung thư phổi di căn não với nhiều biến chứng, bác sĩ có thể cân nhắc xạ trị não nhằm thu nhỏ khối u, giảm chèn ép, giảm tổn thương hệ thần kinh.
Ngoài ra, người ung thư phổi giai đoạn cuối thường có cảm giác đau, từ nhẹ đến nặng do khối u chèn ép. Khi tình trạng đau càng ngày càng tồi tệ,, hãy ý kiến với bác sĩ về một số loại thuốc giảm đau nhóm NSAIDS, Corticoid, Morphin cho người bệnh. Bên cạnh đó, một số phương pháp vật lý trị liệu có thể cải thiện được các triệu chứng gặp phải và cải thiện sức khỏe cho người bệnh.
Xem thêm: Hướng dẫn điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ hiệu quả
Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng không thể thiếu trong chăm sóc bệnh nhân ung thư, nhất là ung thư giai đoạn cuối. Chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất sẽ giúp duy trì sức khỏe, củng cố khả năng chống chịu trước bệnh tật và các liệu pháp điều. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người bệnh nên ăn cân bằng các nhóm chất tinh bột, protein, lipid cùng bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả.
Trong trường hợp người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, khó nuốt, các món ăn nên được chế biến lỏng, mềm, dễ tiêu hóa. Đối với một số bệnh nhân không thể ăn được, bác sĩ có thể cân nhắc đặt ống thông dạ dày, đảm bảo duy trì nguồn dinh dưỡng cho cơ thể người bệnh.
Dinh dưỡng tốt giúp bệnh nhân nhanh phục hồi sức khỏe
Chăm sóc tinh thần cho bệnh nhân cần thực hiện song song với điều trị ung thư phổi di căn. Người bệnh ung thư thường lo lắng, căng thẳng, thậm chí bi quan khi đối mặt với bệnh tật. Khi đó, người bệnh cần sự quan tâm, động viên, sự lắng nghe từ những người thân, bạn bè. Điều này giúp họ dễ dàng chấp nhận sự thật hơn, lạc quan và mạnh mẽ hơn trong chiến đấu với bệnh tật.
Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng cho người ung thư phổi tốt nhất hiện nay
Bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối có thể gặp nhiều biến chứng khi các tế bào ung bướu di căn và gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể. Khi đó, điều trị ung thư phổi di căn đòi hỏi kết hợp nhiều phương pháp nhằm ngăn chặn bệnh tiến triển, phòng ngừa tối đa các biến chứng và cải thiện, phục hồi chức năng cho người bệnh.