Dinh dưỡng cho người ung thư dạ dày: nên ăn gì và không ăn gì?

Ung thư dạ dày là bệnh ung thư phổ biến thứ 5 trên toàn thế giới. Người lớn tuổi và nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người dưới 50 tuổi và nữ giới. Mặc dù bạn không thể kiểm soát được giới tính, tuổi tác, nhưng dinh dưỡng cho người ung thư dạ dày có thể làm tăng hoặc giảm khả năng phát triển của ung thư. Người bị ung thư dạ dày nên ăn gì và không nên ăn gì? Câu trả lời sẽ có trong bài viết này của chúng tôi.

Các vấn đề về tiêu hóa mà bệnh nhân ung thư dạ dày thường gặp phải

Ung thư dạ dày đặc trưng bởi sự phát triển của các tế bào ung thư trong niêm mạc dạ dày. Giai đoạn đầu bệnh thường không có các triệu chứng rõ ràng, nên rất khó chẩn đoán cho đến khi nó di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Một số vấn đề tiêu hóa mà bệnh nhân ung thư có thể gặp phải như:

  • Buồn nôn và nôn
  • Giảm cân không có lý do
  • Ợ chua thường xuyên
  • Chán ăn, đầy hơi liên tục
  • Cảm giác no nhanh sau khi ăn một lượng thức ăn nhỏ
  • Phân có máu
  • Mệt mỏi quá mức

Các vấn đề này người bệnh thường gặp phải và tần suất tăng lên khi bệnh chuyển sang giai đoạn cuối. Nguyên nhân là do ung thư tác động và tác dụng phụ của hóa trị liệu hoặc các phương pháp điều trị khác.

Giảm cân

Giảm cân là vấn đề phổ biến với những bệnh nhân ung thư dạ dày. Khối u dạ dày có thể gây tắc nghẽn, cản trở quá trình di chuyển, hấp thu thức ăn. Khi bệnh phát triển nặng hơn, thức ăn đi qua dạ dày nhanh khiến cho lượng chất dinh dưỡng hấp thu thấp, dẫn đến giảm cân nhanh.

Một số yếu tố khác gây giảm cân ở người bệnh ung thư dạ dày:

+ Bệnh nhân bị ung thư dạ dày thường cảm thấy chán ăn và không muốn ăn

+ Sau khi phẫu thuật dạ dày, kích thước dạ dày thu nhỏ lại khiến bệnh nhân cảm thấy no nhanh hơn

+ Tác dụng phụ của quá trình hóa xạ trị, dạ dày và ruột không hấp thu được chất dinh dưỡng

+ Thức ăn đi qua dạ dày vào ruột non quá nhanh

Dù yếu tố nào ảnh hưởng, điều quan trọng là bạn cần duy trì cân nặng của người bệnh. Chế độ dinh dưỡng cho người ung thư dạ dày hợp lý sẽ giúp cơ thể chống lại bệnh tật và các tác động của quá trình điều trị ung thư dạ dày. Một số lời khuyên bạn có thể tham khảo trong quá trình chăm sóc bệnh nhân ung thư dạ dày:

+ Không bỏ bữa: Bạn cần thuyết phục bệnh nhân ăn ngay cả khi họ không muốn ăn, dù chỉ một vài miếng

+ Lựa chọn thực phẩm và đồ uống có chứa nhiều protein và calo sẽ giúp cung cấp đủ năng lượng cho người bệnh

+ Chuẩn bị sẵn nhiều thực phẩm bổ dưỡng, thức ăn nhẹ và để chúng ở gần người bệnh. Khi họ có nhu cầu ăn có thể dễ dàng lấy

Nếu tình trạng giảm cân trở nên nghiêm trọng, bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng ống đưa thức ăn đặt vào dạ dày hoặc ruột. Ống truyền thức ăn có thể giúp người bệnh có đủ dinh dưỡng khi họ cảm thấy quá khó khăn trong việc ăn uống.

Cảm thấy no nhanh khi ăn lượng nhỏ thức ăn

Nếu người bệnh cảm thấy no nhanh chỉ sau vài miếng thức ăn, bạn cần chú ý để có những thay đổi phù hợp khi chăm sóc dinh dưỡng cho người ung thư dạ dày:

+ Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày thành 6 bữa một ngày. Điều này sẽ dễ dàng để bệnh nhân đưa lượng thức ăn vừa đủ vào cơ thể hơn là việc cố gắng ăn 3 bữa lớn trong ngày

+ Hạn chế các thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như bánh mì, ngũ cốc vì nó khiến bệnh nhân no nhanh hơn

+ Không uống đồ uống có ga, đồ uống có hàm lượng calo hoặc protein cao trong bữa ăn

Các loại thực phẩm bệnh nhân ung thư dạ dày không nên ăn

Như đã đề cập ở phần trên, bệnh nhân ung thư dạ dày có thể gặp rất nhiều vấn đề trong tiêu hóa. Bạn cần lựa chọn cẩn trọng các loại thực phẩm đề bệnh nhân có thể hấp thu các chất dinh dưỡng tốt nhất. Trong đó, bạn cần tránh các nhóm thực phẩm sau khi lên thực đơn cho người bệnh:

Thực phẩm giàu chất xơ:

Ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất xơ sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy no nhanh hơn và không còn muốn ăn các thức ăn khác. Bạn chỉ nên cho bệnh nhân ăn một lượng nhỏ chất xơ và kết hợp với các loại thức ăn khác trong bữa ăn của mình.

Đồ ngọt

Bạn nên tránh nhóm đồ ăn chứa nhiều đường khi chuẩn bị bữa ăn cho người bệnh. Trong trường hợp bệnh nhân thường gặp vấn đề nôn mửa hoặc thức ăn đi qua dạ dày và ruột quá nhanh, bạn có thể cho bệnh nhân ăn một ít đồ ngọt để duy trì lượng đường trong máu.

Thực phẩm chế biến sẵn

Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa ít chất dinh dưỡng và chứa nhiều chất béo “xấu” có hại cho cơ thể người bệnh.

Đồ uống có cồn

Bệnh nhân ung thư dạ dày cần nói không với đồ uống có cồn. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân có thể gây ung thư dạ dày nếu bạn lạm dụng nó quá nhiều mỗi ngày.

dinh-duong-cho-nguoi-ung-thu-da-day

Hạn chế đồ uống có cồn

Muối

Ăn mặn có thể gây huyết áp cao, bệnh tim mạch và nhiều bệnh ung thư, bao gồm ung thư dạ dày. Mỗi ngày, cơ thể nhận một lượng muối natri từ thức ăn, thực phẩm chế biến sẵn… Bạn cần kiểm soát lượng muối đưa vào cơ thể người bệnh bằng cách kiểm tra nhãn sản phẩm trước khi mua, tự nấu các bữa ăn cho người bệnh.

Nhóm thực phẩm mà bệnh nhân ung thư dạ dày nên ăn

Mặc dù chưa có chế độ ăn uống nào được chứng minh có thể chữa khỏi ung thư, nhưng dinh dưỡng cho người ung thư dạ dày hợp lý rất quan trọng để giảm thiểu các vấn đề tiêu hóa, cải thiện và nâng cao kết quả điều trị. Dinh dưỡng tối ưu có thể giúp ngăn ngừa suy dinh dưỡng. Một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng đủ protein và calo là tốt nhất.

dinh-duong-cho-nguoi-ung-thu-da-day-2

Dinh dưỡng cho người ung thư dạ dày

Thực phẩm giàu protein

Những người bị ung thư dạ dày cần bổ sung protein và calo. Uống sữa, ăn trứng, phomai là những lựa chọn tốt cho người bệnh. Để có thêm calo, bạn nên kết hợp với các loại thịt vào bữa ăn của mình.

Bệnh nhân ung thư dạ dày cũng cần bổ sung thêm sắt, canxi, vitamin D từ chế độ ăn. Bạn có thể lựa chọn cá mòi, cá hồi, bông cải, bắp cải, bơ thực vật… cho người bệnh. Một điều nữa, cơ thể dễ dàng hấp thu chất sắt trong thịt đỏ hơn chất sắt trong đậu nành, cá, trứng, rau xanh lá và trái cây.

Đồ ăn nhẹ

Bệnh nhân ung thư dạ dày thường có cảm giác buồn nôn. Ăn các thức ăn nhẹ như bánh quy, bánh mì có thể giúp bệnh nhân cảm thấy khá hơn. Nếu vẫn còn cảm giác khó chịu, bạn có thể cho bệnh nhân ngậm một ít bạc hà hoặc chanh.

Rau xanh và trái cây

Chắc chắn bạn không thể bỏ qua nhóm thực phẩm này trong chế độ dinh dưỡng cho người ung thư dạ dày. Rau xanh và trái cây chính là nguồn vitamin và khoáng chất dồi dào. Các chất chống oxy hóa như vitamin C, lycopene, flavonoid… trong trái cây, rau xanh có tác dụng bảo vệ các tế bào, kìm hãm sự phát triển của các tế bào ung thư.

Trà xanh

Trà xanh có chứa polyphenol, là một chất chống oxy hóa có thể ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư.

Chất béo lành mạnh

Chất béo cần thiết cho sức khỏe, cung cấp năng lượng và duy trì nhiệt độ cơ thể người bệnh. Chất béo lành mạnh bao gồm chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa, chẳng hạn như quả hạch, bơ, dầu ô liu…

Thực phẩm lành mạnh sẽ giúp người bệnh tràn đầy năng lượng, sự tập trung và có khả năng chiến đấu với ung thư. Hy vọng với các thông tin về dinh dưỡng cho người ung thư dạ dày đã giúp bạn có thể lên thực đơn hợp lý cho người bệnh.

Bài viết liên quan

Thực phẩm lành mạnh giúp giảm nguy cơ ung thư vú

11 loại thực phẩm lành mạnh giúp giảm nguy cơ ung thư vú

Ung thư vú là căn bệnh ác tính có thể đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của hàng...
Hệ miễn dịch đường ruột

Tại sao hệ miễn dịch đường ruột lại quan trọng đối với sức khỏe như vậy

Hệ miễn dịch đường ruột là một phần quan trọng trong hệ thống miễn dịch tổng thể của cơ thể....
Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị ung thư gan

Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị ung thư gan

Ung thư gan là một trong những loại ung thư phổ biến và có tỷ lệ tử vong cao nhất....