Cách điều trị bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ theo từng giai đoạn 

Ung thư phổi có hai loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không phải thế bào nhỏ. Trong đó ung thư phổi không phải tế bào nhỏ chiếm phần lớn 84% các trường hợp ung thư phổi. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu cách điều trị bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ theo từng giai đoạn.

Cách điều trị bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ theo từng giai đoạn

1. Tổng quan

1.1 Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ là gì?

Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (NSCLC – Non-Small Cell Lung Cancer) là loại ung thư phổi phổ biến nhất, chiếm khoảng 85% tổng số ca ung thư phổi. NSCLC bao gồm nhiều loại khác nhau, trong đó phổ biến nhất là:

  • Đại tế bào: Loại này phát triển nhanh và có khả năng di căn cao.
  • Tế bào biểu mô tuyến: Thường bắt đầu từ các tế bào sản xuất chất nhầy trong phổi, thường gặp ở những người hút thuốc và không hút thuốc.
  • Tế bào vảy: Thường xảy ra trong các khu vực trung tâm của phổi, thường liên quan đến hút thuốc.

1.2. Đặc điểm của ung thư phổi không phải tế bào nhỏ

  • Tăng trưởng chậm hơn: So với ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC), NSCLC thường phát triển chậm hơn.
  • Triệu chứng: Có thể bao gồm ho kéo dài, khó thở, đau ngực, sụt cân và mệt mỏi.
  • Chẩn đoán: Sử dụng các phương pháp như chụp X-quang, CT scan, nội soi phế quản và sinh thiết.

1.3. Các giai đoạn của ung thư phổi không phải tế bào nhỏ

Cũng như các loại ung thư khác, ung thư phổi không phải tế bào nhỏ cũng được chia thành các giai đoạn phụ thuộc vào mức độ lan rộng của bệnh để đưa ra các phương án điều trị hiệu quả nhất. 

  • Giai đoạn 0: Tế bào ung thư chỉ xuất hiện trong lớp niêm mạc của phổi, chưa xâm lấn vào các mô xung quanh.
  • Giai đoạn 1: Khối u nhỏ hơn 3cm và chưa di căn đến các hạch bạch huyết
  • Giai đoạn 2: Khối u khoảng 3-5cm và đã lan ra một số hạch bạch huyết
  • Giai đoạn 3: Khối u lớn và lan ra nhiều hạch bạch huyết
  • Giai đoạn 4: Ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như xương, gan, não hoặc các cơ quan xa khác.
Các giai đoạn của ung thư phổi không phải tế bào nhỏ
Các giai đoạn của ung thư phổi không phải tế bào nhỏ

2. Cách điều trị bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ theo từng giai đoạn 

2.1. Điều trị ung thư phổi giai đoạn 0

Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ ở giai đoạn 0, còn gọi là ung thư phổi tiềm ẩn hoặc ung thư biểu mô tại chỗ. Lúc này, tế bào ung thư vẫn đang giới hạn lớp lót của đường thở và chưa xâm lấn sâu vào các mô phổi hoặc các khu vực khác. 

Ở giai đoạn này, phẫu thuật sẽ là phương pháp điều trị chính nếu bệnh nhân đảm bảo đủ sức khỏe.

Thông thường, phẫu thuật cắt bỏ thuỳ phổi thường là phương pháp điều trị chủ yếu cho những bệnh nhân trong giai đoạn đầu của ung thư phổi, khi mà mới chỉ có một khối u ở một bên của phổi. 

Tuy nhiên, sẽ có những bệnh nhân không đủ sức khỏe để thực hiện phẫu thuật. Một số liệu pháp điều trị thay thế như: Xạ trị, liệu pháp quang động (PDT).

2.2. Điều trị ung thư phổi giai đoạn I

NSCLC giai đoạn I là giai đoạn sớm của bệnh, lúc này khối u vẫn còn nhỏ và chưa lan ra ngoài phổi và các hạch bạch huyết. 

Phương pháp điều trị chính cho NSCLC giai đoạn I thường là cắt bỏ khối u. Thông thường bệnh nhân sẽ phải cắt bỏ thùy phổi có chứa khối u hoặc cắt bỏ một phần của thủy phổi (cắt bỏ ống phổi, cắt phân thùy hoặc cắt bỏ nêm). 

Trong trường hợp người bệnh không có đủ sức khỏe để thực hiện phẫu thuật. Xạ trị được xem là phương pháp điều trị chính giúp thu nhỏ khối u. 

Đối với những người mắc NSCLC giai đoạn I có nguy cơ tái phát cao. Một số liệu pháp điều trị khác có thể được sử dụng như xạ trị, hóa trị, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp nhắm mục tiêu có thể làm giảm nguy cơ ung thư tái phát. 

Phẫu thuật là cách điều trị bệnh ung thư phổi chính
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính ung thư phổi không phải tế bào nhỏ

2.3. Điều trị ung thư phổi giai đoạn II

Ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn II vẫn được xem là giai đoạn sớm, tiên lượng sống tương đối tốt nếu được điều trị tốt. Khối u phổi trong giai đoạn này có thể di căn tới các hạch bạch huyết cận nhưng chưa di căn xa đến các cơ quan khác của cơ thể. 

Để điều trị ung thư phổi giai đoạn II, bác sĩ thường kết hợp các liệu pháp  để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất. Tuy nhiên, phẫu thuật vẫn là phương pháp điều trị chính. 

Ở giai đoạn 2, bệnh nhân được chỉ định cắt bỏ thùy phổi chức khối u, đôi khi phải cắt bỏ toàn bộ phổi. 

Đối với những trường hợp có nguy cơ tái phát cao, bệnh nhân sẽ phải hóa trị hoặc xạ trị bổ trợ để giúp giảm nguy có tái phát. 

2.4. Điều trị ung thư phổi giai đoạn III

Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ giai đoạn III là giai đoạn tiến triển. Lúc này khối u đã xâm lấn nhiều vị trí ở phổi, có di căn hạch hoặc xâm lấn vào các cấu trúc lân cận phổi nhưng chưa di căn xa.

Phương pháp điều trị ban đầu cho NSCLC giai đoạn III có thể kết hợp nhiều phương pháp khác nhau như xạ trị, hóa trị, liệu pháp miễn dịch và phẫu thuật. Do đó, việc lập kế hoạch điều trị cho NSCLC giai đoạn III thường đòi hỏi sự tham gia của bác sĩ chuyên khoa ung thư, bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ chuyên khoa xạ trị, hóa trị. 

Các lựa chọn điều trị phụ thuộc vào kích thước, vị trí di căn của khối u, sức khỏe tổng thể và mức độ đáp ứng điều trị của bệnh nhân. 

Đối với NSCLC giai đoạn III không thể phẫu thuật, nếu bệnh nhân toàn trạng quá yếu, lựa chọn tối ưu có thể là điều trị giảm nhẹ thay vì điều trị đặc hiệu. Phương pháp điều trị thường là hóa trị kết hợp với xạ trị để thu nhỏ khối u. 

Đối với ung thư phổi giai đoạn III có thể phẫu thuật, việc điều trị thường bắt đầu bằng hóa trị tân bổ trợ, sau đó là phẫu thuật cắt bỏ khối u.  

2.5. Điều trị ung thư phổi giai đoạn IV

Đây được coi là giai đoạn cuối của bệnh ung thư phổi, khi tế bào ung thư đã lan rộng ra khỏi phổi đến các bộ phận khác của cơ thể, như xương, gan, não hoặc các cơ quan khác. Ở giai đoạn này, khối u có thể rất lớn và có thể có nhiều khối u ở các vị trí khác nhau.

Mục tiêu điều trị trong giai đoạn này chủ yếu là giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống.

Giai đoạn 4 của ung thư phổi được chia thành hai giai đoạn, tương ứng với những cách điều trị khác nhau. 

  • Ung thư phổi giai đoạn 4A: Ung thư giới hạn ở phổi và chỉ di căn đến một vị trí cụ thể. Ở giai đoạn này, ung thư vẫn có thể được điều trị bằng phẫu thuật hoặc xạ trị để điều trị vùng ung thư di căn, sau đó là điều trị ung thư phổi.
  • Ung thư phổi giai đoạn 4B: Lúc này các khối u đã lan rộng ra khắp cơ thể. Trước khi bắt đầu bất kỳ phương pháp điều trị nào, khối u sẽ được xét nghiệm một số đột biến gen nhất định. Nếu khối u có các đột biến di truyền cụ thể, phương pháp điều trị được ưu tiên chính là liệu pháp nhắm trúng đích.

Đối với ung thư giai đoạn 4, liệu pháp giảm nhẹ cũng là một phương pháp điều trị mang lại hiệu quả cho người bệnh. Mục tiêu của liệu pháp chăm sóc giảm nhẹ là giảm bớt sự đau đớn và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Một số liệu pháp giảm nhẹ triệu chứng cho bệnh ung thư phổi bao gồm:

  • Giảm bớt sự đau đớn:  Sử dụng thuốc giảm đau và liệu pháp không dùng thuốc như vật lý trị liệu.
  • Khó thở: Hướng dẫn kỹ thuật thở cho bệnh nhân hoặc thở bằng bình oxy
  • Mệt mỏi: Tạo ra kế hoạch nghỉ ngơi hợp lý và hoạt động nhẹ nhàng
  • Cung cấp chế độ ăn uống hợp lý, giúp bệnh nhân duy trì sức khỏe và năng lượng.

 

 

Liệu pháp chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối
Liệu pháp chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối

Xem thêm: Xạ trị ung thư phổi không phải tế bào nhỏ

3. Tỷ lệ sống sót của bệnh ung thư phổi không phải tế bào nhỏ

Ung thư phổi là một trong những loại ung thư có tỷ lệ tử vong cao và khó có thể chữa khỏi hoàn toàn.  Càng ở ở giai đoạn muộn, tiên lượng bệnh càng xấu. Nếu bệnh nhân phát hiện bệnh khi khối u còn ở giai đoạn I thì tỷ lệ sống thêm 5 năm có thể là 63%. Ở bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn II và III, tỷ lệ sống thêm 5 năm giảm dần, chỉ còn khoảng 35%. Khi khối u đã di căn xa, tỷ lệ sống thêm 5 năm chỉ còn dưới 10%.

4. Kết luận

Việc điều trị ung thư phổi rất phức tạp và cần được cá nhân hóa dựa trên từng trường hợp cụ thể. Việc phát hiện sớm và có liệu pháp điều trị đúng cách là biện pháp quan trọng để cứu bạn thoát khỏi ung thư phổi. Do vậy, hãy đi khám ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường ở cơ thể của mình. 

Bài viết liên quan

Thực phẩm lành mạnh giúp giảm nguy cơ ung thư vú

11 loại thực phẩm lành mạnh giúp giảm nguy cơ ung thư vú

Ung thư vú là căn bệnh ác tính có thể đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của hàng...
Hệ miễn dịch đường ruột

Tại sao hệ miễn dịch đường ruột lại quan trọng đối với sức khỏe như vậy

Hệ miễn dịch đường ruột là một phần quan trọng trong hệ thống miễn dịch tổng thể của cơ thể....
Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị ung thư gan

Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị ung thư gan

Ung thư gan là một trong những loại ung thư phổ biến và có tỷ lệ tử vong cao nhất....