Bệnh Rota trẻ em: cách chăm sóc và phòng ngừa bệnh

Bệnh Rota trẻ em là bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, có thể gây nhiêu hậu quả sức khỏe nghiêm trọng nếu không được chăm sóc tốt.

Khi tấn công vào hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ thường khiến trẻ bị tiêu chảy nặng, dễ mất nước và có nguy cơ tử vong. Vì vậy các bậc phụ huynh cần chăm sóc trẻ đúng cách và có biện pháp phòng ngừa bệnh cho trẻ.

1. Triệu chứng cảnh báo bệnh Rota trẻ em

Rota Virus là nguyên nhân gây ra bệnh Rota trẻ em hay còn gọi là bệnh nhiễm khuẩn dạ dày ruột cấp. Rota Virus lây lan qua đường phân – miệng với tỉ lệ lây nhiễm rất cao. Bởi chúng có thể tồn tại rất lâu ngoài môi trường, trên tay, trên sàn nhà, các đồ dùng, đồ chơi của trẻ.

Trẻ dưới 3 tuổi có nguy cơ nhiễm bệnh cao do trẻ có thói quen ngậm mút tay, ngậm đồ chơi và chưa biết tự rửa tay. Do hệ tiêu hóa còn non yếu, nên khi nhiễm Rota Virus trẻ thường bị tiêu chảy cấp nặng, mất nước nghiêm trọng và thậm chí có nguy cơ tử vong.

triệu chứng tiêu chảy do bệnh rota trẻ em

Khi nhiễm virus Rota, trẻ có thể đi tiêu chảy tới 20 lần/ngày

Các triệu chứng bệnh Rota trẻ em thường xuất hiện sau 1-2 ngày trẻ nhiễm virus:

Trẻ bị nôn ói và tiêu chảy kéo dài từ 2-3 ngày. Trẻ thường nôn nhiều trước rồi mới đến tiêu chảy.
Trẻ có thể đi tiêu chảy tới 20 lần/ ngày. Phân lỏng như nước, có màu xanh dưa cải, có thể kèm theo nhớt nhưng không có máu. Tiêu chảy ngày càng tăng và có thể kéo dài từ 3-9 ngày.
Bên cạnh đó, trẻ có thêm những dấu hiệu như sốt vừa phải, đau bụng, ho và chảy nước mũi.

Trong giai đoạn này, trẻ rất dễ bị mất nước, cơ thể nhanh chóng bị khô kiệt nếu không được chăm sóc thích hợp sẽ có khả năng phải nhập viện điều trị.

2. Chăm sóc trẻ nhiễm virus Rota như thế nào?

Bệnh Rota trẻ em đặc trưng với triệu chứng tiêu chảy và nôn nhiều nên cơ thể trẻ bị mất nước và mất điện giải nghiêm trọng. Do đó việc chăm sóc trẻ cần chú trọng tới bù nước và bù điện giải kịp thời cho trẻ.

Khi trẻ bị tiêu chảy cấp do virus Rota, phụ huynh cần chú ý bù nước kịp thời cho trẻ

Các lưu ý khi chăm sóc trẻ nhiễm Virus Rota:

  • Không cho trẻ dùng kháng sinh, vì kháng sinh không hiệu quả với Rota Virus
  • Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, có thể là nước đun sôi để nguội, nước canh rau, nước khoáng không có gas, nước cháo muối, nước gạo rang, súp cà rốt, nước hồng xiêm xay, chuối xay, nước dừa, nước hoa quả….
  • Cho trẻ uống Oresol theo đúng hướng dẫn trên bao bì (Mỗi gói ORS pha với 1 lít nước đun sôi để nguội)
  • Đảm bảo cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng phù hợp theo độ tuổi.
  • Tiếp tục cho trẻ bú mẹ nếu là trẻ sơ sinh. Nếu trẻ bú bình thì cần tiệt trùng bình, núm vú, dụng cụ pha sữa thật kỹ.
  • Luôn giúp trẻ giữ vệ sinh tay trước khi trẻ ăn, sau khi chơi đồ chơi và sau khi đi vệ sinh
  • Phụ huynh và người trực tiếp chăm sóc trẻ cần giữ vệ sinh tay trước khi cho trẻ ăn và khi tiếp xúc với trẻ.

Đặc biệt, phụ huynh cần lưu ý các mức độ mất nước ở trẻ để kịp thời đưa trẻ tới viện điều trị:

– Mất nước nhẹ: Trẻ khát nước và đòi uống. Với trẻ nhỏ chưa biết nói thường sẽ quấy khóc nhiều. Khi cho trẻ uống nước đủ thì trẻ sẽ hết khóc.

– Mất nước vừa: Ngoài khát nước trẻ có biểu hiện khô mắt, niêm mạc môi, miệng khô, da nhăn nheo. Ngoài ra có thể biểu hiện thóp lõm xuống, mắt trũng lại, ngủ mắt nhắm không kín, trẻ khóc không có nước mắt, nước dãi… Lúc này nếu trẻ không uống được nước, hoặc uống vào lại nôn thì cần đưa trẻ tới viện để truyền dịch bù nước và điện giải.

– Mất nước nặng: Ngoài các triệu chứng mất nước vừa, trẻ còn có dấu hiệu như lừ đừ, có khi vật vã, hoặc li bì hôn mê, hoặc có những cơn co giật. Đây là biểu hiện xuất hiện biến chứng, cần lập tức đưa trẻ tới viện điều trị.

Xem thêm: Các bệnh trẻ em hay gặp vào mùa lạnh và cách phòng tránh

3. Các biện pháp phòng bệnh Rota trẻ em

Các dược sĩ BCC Pharma tổng hợp các cách phòng ngừa bệnh Rota trẻ em như sau:

Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo và cần thiết nhất cho trẻ trong 6 tháng đầu đời và cung cấp tới một nửa các chất dinh dưỡng tới khi trẻ 2 tuổi. Trong sữa mẹ có các kháng thể giúp trẻ tăng cường miễn dịch để chống lại các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là tiêu chảy và giảm nguy cơ dị ứng sớm.

bú sữa mẹ để phòng ngừa bệnh rota trẻ em

Nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời để phòng bệnh Rota trẻ em

Trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh Rota Virus và có tỉ lệ tử vong thấp hơn so với trẻ không được bú mẹ hoặc không được bú mẹ hoàn toàn.

Nếu không có điều kiện cho trẻ bú mẹ, nên sử dụng thìa và cốc khi cho trẻ ăn sữa động vật hoặc sữa công thức. Bởi việc sử dụng chai sữa và núm vú thường khó làm sạch, dễ nhiễm khuẩn gây tiêu chảy. Khi pha sữa nên dùng nước sạch đun sôi rồi để ấm khoảng 60 độ C.

Sử dụng nước sạch

Có thể giảm nguy cơ bệnh Rota trẻ em bằng cách sử dụng nước sạch. Phụ huynh cần:

– Chọn nguồn nước sạch nhất có thể

– Có thể sử dụng máy lọc nước nếu có điều kiện

– Không tắm, giặt và đại tiện gần nguồn nước

– Không cho động vật đến gần nguồn nước

Xây dựng thói quen rửa tay

Một trong những đường lây nhiễm của Virus Rota là đường tay – miệng, vì vậy phụ huynh cần xây dựng cho trẻ thói quen rửa tay:

– Cần rửa tay kỹ trong các trường hợp: Sau khi đi vệ sinh, sau khi cho trẻ đi vệ sinh, trước khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn, trước khi cho trẻ ăn…

– Phải rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn, cồn…

Giữ gìn an toàn vệ sinh thực phẩm

– Nấu chín thức ăn

– Rửa sạch và làm khô tất cả dụng cụ trước, sau khi nấu và ăn

– Bảo quản thức ăn đã chế biến vào dụng cụ sạch riêng biệt để tránh nhiễm bẩn

– Tiệt trùng dụng cụ pha sữa và bát ăn của trẻ trước và sau khi ăn

Giữ gìn môi trường sống sạch sẽ

Thường xuyên sát trùng, vệ sinh sàn nhà, bàn ghế, đồ chơi của trẻ để giảm nguy cơ trẻ nhiễm Virus Rota.

Phòng bệnh cho trẻ bằng vắc xin Rota

Hiện nay, cho trẻ uống vắc xin phòng virus Rota là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Có 2 loại vắc xin Rota phổ biến nhất gồm Rotarix (Bỉ) và Rotateq (Mỹ). Cả 2 loại vắc xin này đều được chỉ định dùng theo đường uống.

Vắc xin phòng virus Rota được khuyến cáo cho trẻ uống từ 6 tuần tuổi và kết thúc liệu trình trước 6 tháng tuổi để cơ thể kịp sinh ra các kháng thể để bảo vệ trẻ trước khi trẻ bước vào giai đoạn dễ bị nhiễm bệnh nhất.

Lời kết

Bệnh Rota trẻ em là lệnh lây nhiễm rất phổ biến và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Vì vậy phụ huynh cần đặc biệt lưu ý các biện pháp bù nước khi chăm sóc trẻ và theo dõi để đưa trẻ tới viện nếu có biểu hiện bất thường. Và đặc biệt, các phụ huynh nên cho trẻ uống vắc xin phòng bệnh và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để trẻ luôn khỏe mạnh.

Mời bạn theo dõi Trang BCC Pharma để nhận thêm những thống tin hữu ích về chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhỏ.

Bài viết liên quan

Thực phẩm lành mạnh giúp giảm nguy cơ ung thư vú

11 loại thực phẩm lành mạnh giúp giảm nguy cơ ung thư vú

Ung thư vú là căn bệnh ác tính có thể đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của hàng...
Hệ miễn dịch đường ruột

Tại sao hệ miễn dịch đường ruột lại quan trọng đối với sức khỏe như vậy

Hệ miễn dịch đường ruột là một phần quan trọng trong hệ thống miễn dịch tổng thể của cơ thể....
Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị ung thư gan

Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị ung thư gan

Ung thư gan là một trong những loại ung thư phổ biến và có tỷ lệ tử vong cao nhất....